Rất hiếm doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đưa ra được con số kinh doanh 6 tháng lạc quan, song để tìm một lối “thoát hiểm” tốt hơn cũng chẳng phải dễ dàng.
“Con ruột” khó nhờ
Theo các báo cáo tài chính (BCTC) mới nhất, có khoảng 20 DN BĐS bị thua lỗ, chiếm khoảng 30% số DN niêm yết thua lỗ hiện nay. Đáng nói, một số đơn vị như: Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 (NTB), Công ty CP Sông Đà 27 (S27)... không phải lần đầu tiên báo lỗ.
Ngay cả những DN có con số ấn tượng hơn cũng chẳng ít nỗi niềm. Cụ thể từ trường hợp của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI), nếu không tính 426 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 70% vốn ở Công ty CP Khu công nghiệp Phong Phú (PPIP), BCI đã lỗ chứ không lãi lớn. Hay đà tăng doanh thu hơn 600% của Tập đoàn Hà Đô (HDG) vẫn thua tốc độ tăng giá vốn.
Nhìn chung, kinh doanh của hầu hết DN BĐS đều ảm đạm, doanh thu, lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ. Chẳng hạn, doanh thu của Đất Xanh (DXG) đã giảm 50,2%, Công ty CP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco - HDC) giảm 46%. Nếu đi vào chi tiết cơ cấu doanh thu, khoản thu từ kinh doanh BĐS càng thể hiện sự suy giảm. DXG giảm 91% nguồn thu từ chuyển nhượng BĐS. Trong khi đó, mảng kinh doanh nhà của Công ty CP Đầu tư Kinh doanh nhà (ITC) sụt giảm 73,6% so với cùng kỳ và chỉ còn góp 25,6% vào doanh thu chung.
Thậm chí, rất nhiều DN đã mất hẳn nguồn thu từ ngành nghề cốt lõi là nhà đất. Phải dựa vào nguồn thu phụ, nên đa số DN đều chỉ mới đi được một chặng nhỏ trong mục tiêu kinh doanh cho cả năm 2012.
Giải trình của nhiều DN cho thấy, do thị trường BĐS vẫn còn ảm đạm nên họ gặp khó khăn khi giải quyết bài toán đầu ra. Theo tính toán ban đầu, HDG dự kiến thu về 380 tỷ đồng từ việc bán căn hộ Nguyễn Văn Công (quận Gò Vấp, TP.HCM), căn hộ An Khánh - An Thượng (Hà Nội), căn hộ Hoàng Văn Thái (Hà Nội) và 300 tỷ đồng sẽ đến từ xây lắp.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, doanh thu BĐS chỉ mang về cho HDG 74 tỷ đồng, tức khoảng 20% mục tiêu đề ra. Ngoài ra, một số DN như S27 còn lên kế hoạch lỗ 7,6 tỷ đồng cho năm 2012. Với Công ty CP Đầu tư BĐS Việt Nam (VNI), mục tiêu 1 tỷ đồng lợi nhuận cho cả năm đã trở nên khó thực hiện vì VNI bị thua lỗ, thu không đủ chi.
Trông chờ “con nuôi”
Trước tình hình khó khăn trên, VNI đã xin chuyển đổi mục đích cho dự án Saigon South Center từ phát triển chung cư - trung tâm thương mại sang kết hợp trung tâm thương mại - chợ truyền thống. Để tham gia quản lý chợ và phân phối lẻ, VNI cũng lập Công ty Đầu tư thương mại dịch vụ Phước Long. Đây được xem là một trong những cách để VNI có thể gỡ “thế bí” trong bối cảnh DN chưa có nguồn thu từ BĐS.
Trên thực tế, những DN có thể “thong thả” trong mùa BCTC lần này ít nhiều đều là những đơn vị có “phòng bị” từ trước. Điển hình, trong 6 tháng đầu năm nay, 85% nguồn thu của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sao Mai (ASM) lại đến từ thủy sản. Còn ở HDG hay ITC, hoạt động xây lắp mới là nguồn thu chính. Riêng với DXG, mảng dịch vụ, môi giới BĐS từ chỗ chỉ góp 9,6% doanh thu cùng kỳ năm ngoái, nay đã chiếm 88% tổng doanh thu của DXG.
Bên cạnh đó, một số DN như BCI, Địa ốc Khang An (KAC) lãi lớn nhờ chuyển nhượng cổ phần. Ngoài ra, Địa ốc Hoàng Quân (HQC), Thủ Đức House (TDH), ITC cũng có kế hoạch rút vốn đáng kể ở những nơi chưa hiệu quả. Việc thoái vốn này có thể giúp DN tăng tốc về đích dù hiện tại họ chỉ mới rời vạch xuất phát không xa. Về lâu dài, đa số các DN đều ý thức phải có “chân trong, chân ngoài”. Theo đó, vẫn lấy
BĐS là ngành chính, với quỹ đất sạch hơn 100ha nhưng ASM đang tìm cách đẩy mạnh sản xuất - xuất khẩu thủy sản thông qua hợp tác với các đối tác Trung Quốc như Hảo Vị Nguyên, Kim Vượng Giác. Đây cũng là ngành mà NTB muốn dấn thân vào. Tuy nhiên, nếu như NTB chỉ mới quyết định tham gia vào thủy sản và còn hoài nghi về tính hiệu quả thì ASM đã tham gia vào thủy sản từ hơn 4 năm trước.
Không riêng gì những DN vừa nêu, Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà (CLG) có định hướng mở rộng sang ngành gỗ và y tế. Họ đang dự tính huy động 150 tỷ đồng cho đầu tư nhà máy gỗ Cotec, dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Blue Sapphire Resort. Trong trường hợp công ty chỉ huy động được 100 tỷ đồng, CLG sẽ giảm vốn ở khoản đầu tư vào khu biệt thự du lịch Blue Sapphire Resort (Bà Rịa - Vũng Tàu), chứ không thay đổi hai hạng mục đầu tư kể trên.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, những đơn vị nào mới bắt đầu tìm cách phòng thủ thì khó có ngay con số đẹp để công bố, trong khi chi phí cho đầu tư lại tăng cao. Đó cũng là phép thử đang xảy ra với Công ty CP Tài Nguyên (TNT). TNT gặp nhiều căng thẳng khi nguồn thu chính từ khoáng sản đang tắc trong khi các dự án BĐS của TNT chỉ dừng ở lại ở khâu thủ tục pháp lý. Nếu muốn triển khai lẫn khai thác các dự án, TNT phải đổ rất nhiều vốn vào.
Bên cạnh phương án “chân trong, chân ngoài”, không ít DN lại chọn cách “trung thành” với ngành nghề truyền thống thông qua việc cơ cấu lại danh mục dự án và hướng phát triển. Phía ITC cho biết, công ty đang nhắm tới phân khúc nhà ở, đất nền cho người có thu nhập trung bình ở quận 9, Bến Bình Đông (quận 8). Đây cũng là phân khúc mà TDH, Vạn Phát Hưng (VPH)... sẽ ưu tiên phát triển trong tương lai.
Theo các báo cáo tài chính mới nhất, có khoảng 20 DN BĐS bị thua lỗ, chiếm khoảng 30% số DN niêm yết thua lỗ hiện nay.
DiaOc24G.com - Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét